Gắn bó với công việc, trung thành với một công ty là điều nên làm, song nếu công việc không phù hợp, người lãnh đạo không biết xem trọng năng lực của nhân viên thì tốt nhất hãy ra đi. Và “đời thay đổi khi ta thay đổi”...
Tháng 10-2004, tôi tốt nghiệp trung cấp kế toán. Bác tôi gọi tôi đến làm cho công ty bác, lương 300.000 đồng/tháng. Tôi tưởng bác đùa, nhưng mẹ rủ rỉ phân tích thiệt hơn: làm gần, ăn ở cùng bố mẹ đỡ khối tiền, vả lại tôi chỉ là một đứa học trung cấp vừa ra trường, chưa có kinh nghiệm... thì đó dường như là lựa chọn đúng đắn hơn cả. Tôi nghe lời.
Công việc của tôi là viết hóa đơn và căn cứ vào đó làm báo cáo thuế, theo dõi nợ phải thu của khách, kiểm soát hàng bán ra trong ngày sao cho khớp với thủ kho.
Tết đến việc buôn bán thường trông chờ vào dịp này, mỗi vụ có thể lãi vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng, vì thế nhân viên cũng bị đôn đốc làm việc hết tốc lực.
Tôi xoay như con thoi, hết làm đơn đặt hàng dự trù hàng bán đến liên hệ với nhân viên bán hàng xem số lượng hàng khách cần để có thể cân đối, bán cho những khách lẻ... Đầu tôi lúc nào cũng ong ong từ 18 tháng chạp cho đến tận 30 tết. Các nhân viên khác ai nấy mặt cũng phờ phạc, 7g tối mới về.
Đợt đó lương tôi đã tăng lên 500.000 đồng, tết được thưởng thêm nửa tháng lương nhưng do tôi nhầm lẫn khi tính tiền, công ty trừ thẳng 200.000 vào lương. Xót xa, tôi coi đó là bài học cho mình. Tôi còn học được cách quản lý, giao tiếp với nhà cung cấp và khách hàng sao cho khéo léo, cách làm việc mềm mỏng với cán bộ thuế... Kinh nghiệm sống của tôi từ đó được tạo lập. Tôi chững chạc, người lớn hơn và thật sự cảm thấy mình đang trưởng thành.
Rồi tôi dần thấy công việc ở đây không thoải mái. Họ quản lý sít sao và rất chuyên quyền theo kiểu gia đình trị: sai là phải nộp phạt, làm 10g/ngày, một tháng chỉ được nghỉ một ngày, lương thấp...
“Giọt nước tràn ly” khi đến dịp lễ 30-4, 1-5, tôi xin nghỉ để họp mặt gia đình nhưng không được với lý do ngày nghỉ mọi người mới đi mua hàng đông! Hôm ấy tôi được thưởng 50.000 đồng và vẫn làm đến 5g30. Về nhà mọi người đã đi chơi hết, hôm sau thì ai về nhà nấy. Tôi quyết tâm thay đổi chính mình, thay đổi cuộc sống và môi trường làm việc.
Tôi nói rõ để mẹ không ngăn cản tôi. Mẹ hiểu những khó nhọc, bức xúc và ức chế của tôi nhưng nói tôi nên suy nghĩ kỹ. Tôi vẫn nghỉ.
Anh họ ở trong Nam hứa sẽ tìm cho tôi công việc phù hợp. Tôi rất háo hức và trong thời gian chờ hoàn tất hồ sơ để lên đường, tôi tranh thủ về quê ngoại ở Vĩnh Phúc tạm biệt họ hàng. Một chị họ tôi bảo: “Ở đây khu công nghiệp đang phát triển, tội gì đi xa thế. Công ty Nhật chị đang làm hiện có ba kế toán, một đã nghỉ sinh, một cũng sắp nghỉ, em xuống hỏi xem”. Tôi liền đi và thứ hai tuần tiếp theo tôi bắt đầu đi làm.
Công ty rất tôn trọng giờ giấc và pháp luật nên một ngày làm việc đúng tám giờ, được nghỉ hai thứ bảy và bốn chủ nhật trong tháng. Nhờ những kiến thức cùng kinh nghiệm tích lũy ở nơi làm trước, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hết thời gian thử việc, tôi được giữ lại làm. Buổi tối rảnh rỗi, tôi đăng ký lớp học liên thông lên cao đẳng ngành kế toán, giờ đã nhận được bằng chính quy và đang tiếp tục làm hồ sơ liên thông lên đại học.
Công việc ở công ty mới đã mang lại cho tôi không chỉ niềm hứng thú, thái độ làm việc chuyên nghiệp mà còn gián tiếp tác động đến cuộc đời tôi bằng việc xe duyên tôi với người chồng hiện giờ. Nếu tôi không mạnh dạn thay đổi có lẽ giờ tôi vẫn đang loay hoay với cuộc sống của mình nơi miền quê nhỏ, lấy một anh lái xe giao hàng mà bác tôi cố gán ghép hòng buộc chân tôi ở lại.
Qua đây tôi chỉ muốn nói với các bạn trẻ hãy đừng ngại thay đổi. Gắn bó với công việc, trung thành với một công ty là điều nên làm, song nếu công việc không phù hợp, người lãnh đạo không biết xem trọng năng lực của nhân viên thì tốt nhất hãy ra đi. “Đời thay đổi khi ta thay đổi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét